Để chở thành vợ chồng được mọi người công nhận tất nhiên chúng ta phải tổ chức đám cưới
Để tổ chức đám cưới chúng ta phải qua 3 lễ tục tiêu biểu
1.Lễ chạm ngõ (xem mặt, dạm ngõ)
Đây là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Theo số liệu xã hội học, tần suất thực hiện lễ chạm ngõ ở xã hội ta hiện nay đang có xu hướng tăng. Như thế, đây là nhu cầu xã hội chứ không phải hành vi hướng cổ có tính chất chơi trội của một nhóm xã hội nào.
Tuy nhiên, do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về lễ này (do người ta ít thực hành nó trong mấy chục năm qua) nên nhận thức của người dân và thực hành của họ về lễ này còn chưa đúng. Thậm chí, những người làm công tác quản lý xã hội và văn hóa cũng chưa có sự am hiểu sâu sắc về lễ này.
Lễ chạm ngõ ngày nay cũng không theo lối xưa, chỉ là buổi gặp gỡ giữa hai gia đình. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục quá trình tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn, trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Buổi lễ này, không cần vai trò hẹn trước của người mối (kể cả những trường hợp yêu nhau nhờ mai mối), không cần lễ vật rườm rà.
Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
Xét về mặt chức năng: nếu bỏ qua lễ này mà đi thẳng vào lễ ăn hỏi thì mọi việc sẽ bị cảm thấy đường đột, ngang tắt, không có khởi đầu. Vì thế, tuy không phải là một lễ trọng nhưng lại là một lễ không thể thiếu trong tiến trình hôn lễ. Hơn nữa, lễ này không tốn kém (lễ vật chỉ có trầu cau) mà lại biểu thị được bản sắc văn hóa dân tộc (văn hoá trầu cau) thì việc bỏ qua lễ này là điều không hợp lý.
Đối với lễ này, thường người Việt Nam vẫn tiến hành theo khuôn mẫu cổ truyền:
Thành phần tham gia:
- Nhà trai : Bố, mẹ, chú rể, người mối (nếu có).
- Nhà gái : Cả gia đình nhà gái.
Trang phục:
- Trai : complet
- Gái : áo dài
Nếu do điều kiện không có thì mặc những bộ quần áo đẹp nhất mà mình có.
Phương tiện đi lại:
- Ở thành phố : tốt nhất là thuê một chuyến xe con 5 chỗ (vừa đủ 4 người nhà trai đi) hoặc đi xe máy.
- Ở nông thôn : nếu xa có thể đi bằng xe máy, nếu gần : đi bộ.
Lễ vật của nhà trai: Trầu cau và chè
Nhưng số lượng phải tính chẵn. (Ví dụ : 2 gói chè, hai chục cau).
Đón tiếp ở nhà gái : Dọn dẹp nhà cửa sạch, đẹp. Ăn mặc trang trọng. Khi đoàn khách nhà trai đến, đón chào niềm nở. Tiếp khách bằng trà (nếu có trà thơm là tốt nhất). Khi nhà gái đồng ý nhận lễ vật, mang đặt lên bàn thờ thì cuộc lễ coi như kết thúc. Sau đó hai bên có thể ngồi lại nói chuyện đôi chút.
2.Lễ ăn hỏi
Có thể nói rằng, lễ ăn hỏi là sự thông báo chính thức về sự hứa giá thú của hai gia đình, hai họ. Nó đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong quan hệ hôn nhân : Cô gái được hỏi đã chính thức trở thành vợ chưa cưới của chàng trai đi hỏi.
Ngày nay, về hình thức lễ này vẫn giữ tên là lễ ăn hỏi, nhưng trên thực tế, thì lễ này bao hàm cả lễ dẫn cưới. (Sự quy giản này phần nào cho chúng ta thấy tính thích nghi của văn hóa cổ truyền trong xã hội đương đại). Chính vì thế, mô hình lễ ăn hỏi ngày nay phải phản ánh được sự thay đổi ấy, nói cách khác, trong các nghi thức ở lễ ăn hỏi ngày nay phải có cả những nghi thức của lễ dẫn cưới.
Mô hình lễ ăn hỏi trong xã hội Việt Nam đương đại như sau:
Về thành phần tham dự
- Nhà trai : Đại diện gia đình, họ hàng, chú rể, một số cô gái chưa chồng đội mâm quả hay còn gọi là bê tráp (bây giờ có thể là nam thanh niên) vì các cô sợ "mất duyên", số người bê tráp là số lẻ, 5 hoặc 7 hoặc 9...
- Nhà gái : Bố mẹ, ông bà (nếu còn), anh chị em ruột của cô dâu, cô dâu và một số bạn bè thân cận. Ở nông thôn có thể có một số cô dì chú bác của cô dâu).
Về lễ vật:
1. Cau tươi : 1 buồng
2. Bánh cốm : 200 chiếc
3. Hạt sen : 2 kg
4. Chè : 2 kg
5. Rượu : 2 chai
6. Thuốc lá : 2 tút
7. Bánh xu xê (phu thê) : 200 hoặc 20
8. Phong bì tiền : 2 chiếc
Đó là những lễ vật tối thiểu theo tục lệ cổ truyền; tất nhiên, chất lợng và số lượng thêm thì tùy thuộc vào năng lực kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, số lượng nhất thiết phải là 2. Về lễ vật cho lễ này, cần phải tránh xu hướng phục cổ cực đoan (phục hồi tục thách cưới hay thách cưới trá hình) cũng như một cực đoan khác là : nhà trai không có lễ vật dẫn cưới.
Ý nghĩa của lễ vật dẫn cưới là : thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái. Nói theo cách xưa là : nhà trai bỗng dưng được thêm người, còn nhà gái thì ngược lại, "Con gái là con người ta". Mặt khác, lễ vật cũng biểu thị được sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai.
Trong một chừng mực nào đó, đồ dẫn cưới cũng thể hiện được thiện ý của nhà trai : xin đóng góp một phần vật chất để nhà gái giảm bớt chi phí xung quanh hôn sự.
"Tiền mặt" : Đây là vấn đề đang được tranh cãi nhiều : có ý kiến cho rằng, lễ vật bằng tiền thì quá thô, thậm chí còn có người cho rằng, làm như vật là xúc phạm đến nhà gái,... có người thì lại cho rằng, vấn đề là ở cách đưa tiền : làm thế nào để tiền trở thành một lễ vật chứ không phải là một phương tiện trao đổi, mua bán như chức năng vốn có của nó.
Nếu số tiền đó được đổi thành những đồng tiền mới tinh (như tiền mừng tuổi mà ông bà, cha mẹ chúng ta thường làm) và được bao bởi một phong bì đẹp màu đỏ, có in chữ "song hỷ" thì người nhận lễ sẽ không bị mặc cảm là mình đã nhận tiền theo nghĩa đen nữa.
Rước lễ vật : Tất cả các lễ vật phải được sắp xếp gọn gàng và thẩm mỹ. Và nhất thiết phải được bày vào quả sơn son thếp vàng (hay mâm đồng đánh bóng, phủ vải đỏ). Có như thế mới nhấn mạnh được tính biểu trưng của lễ vật. Xưa, người đội lễ phải khăn áo chỉnh tề, thắt dây lưng đỏ. Nay, các cô gái đội lễ đã có áo dài đỏ thay thế (trông đẹp hơn) nên không cần phải dùng thắt lưng đỏ nữa. Dù dùng phương tiện đi lại là : ô tô, xích lô, xe máy, hay đi bộ thì đoàn ăn hỏi cũng nên dừng lại cách nhà gái khoảng l00m, sắp xếp đội hình, rồi mới đội lễ vào nhà gái. Đây thực sự là một hình thái văn hóa dân tộc.
Những lễ vật dẫn cưới theo phong tục cổ truyền đều thể hiện được ý nghĩa trên và ngày nay người Việt Nam vẫn tuân thủ.
Trang phục : trang phục cho cô dâu (tốt nhất là một bộ áo dài, vừa có thể mặc trong lễ cưới, vừa có thể mặc ở những dịp lễ hội sau này). Nếu kinh tế nhà trai khá giả có thể sắm cho cô dâu tương lai một trong những đồ trang sức sau : xuyến, vòng, hoa tai... Chú rể thì comple, cà vạt.
Tiếp khách : Vì đây là một lễ trọng nên nhà gái phải chuẩn bị chu đáo hơn lễ chạm mặt. Tuy nhiên, do nội dung chủ yếu của lễ này là sự bàn bạc cụ thể, chính thức của hai gia đình về việc chuẩn bị lễ cưới, nên nhà gái không bày tiệc mặn mà chỉ bày tiệc trà. Nghi thức trao nhận lễ vật cũng nên trở thành nghi thức bắt buộc.
Trách nhiệm của cô dâu : Phải ngồi trong phòng cho đến khi nào chú rể vào đón hoặc cha mẹ gọi mới được ra. Ra mắt tổ tiên bằng cách thắp hương lên bàn thờ (đối với những nhà không theo đạo Thiên chúa). Sau đó cô dâu sẽ cầm ấm trà đi từng bàn để rón nước mời khách.
Nhà gái : sau khi nhận lễ rồi đưa lên bàn thờ thắp hương, nhà gái sẽ lấy ra mỗi thứ trong đồ lễ ăn hỏi một ít để "lại quả". Lưu ý là đối với cau thì phải xé chứ không được dùng dao để cắt. Khi nhà trai nhận lại tráp để bê về thì phải để ngửa, không được úp tráp lại.
Biếu trầu : Xưa, sau lễ ăn hỏi, nhà gái dùng các lễ vật nhà trai đã đưa để chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng,... ý nghĩa của tục này là sự loan báo : Cô gái đã có nơi có chỗ.
Ngày nay, lễ ăn hỏi và lễ thành hôn không cách xa nhau nhiều về mặt thời gian nên trong khi biếu trầu người ta thường kết hợp với đưa thiếp mời đến dự cưới. Có nhiều người phản đối việc duy trì tục này với lý dó là : những quà biếu này không được sử dụng, gây lãng phí, tốn kém cho nhà trai. Tuy nhiên, tục "biếu trầu" chỉ áp dụng đối với họ hàng hay một số bạn bè thân thiết, nếu không thì việc đưa thiếp mời sẽ không có tính biểu trưng.
3.Lễ cưới
Lễ cưới là đỉnh điểm của cả quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Do đó, cả xưa và nay, mọi người đều rất coi trọng. Đây cũng chính là nghi lễ được dư luận xã hội quan tâm nhiều hơn cả. Lễ cưới chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn rất đơn giản.
Hai người chỉ việc mua 2 mẫu đăng ký tại Uỷ ban Nhân dân phường (xã) (nam 1 tờ và nữ 1 tờ), điền vào mẫu và mỗi người đều phải lấy chứng nhận của phòng tổ chức nơi mình công tác. Nếu chưa đi làm, bạn có thể xin xác nhận của ông tổ trưởng dân phố (xóm). Sau đó, cả hai cùng đến Uỷ ban Nhân dân phường đem theo hộ khẩu và chứng minh để xin đăng ký. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ được trao cho hai người sau đó khoảng 10 ngày.
Trước đây, người ta gọi lễ này là lễ rước dâu. Ngày nay, trong ngôn từ của đời sống thường ngày, người ta gọi lễ này là lễ cưới (dịch theo tiếng Hán là hôn lễ). Điều đó chứng tỏ vị trí rất quan trọng của lễ này trong hệ thống hôn lễ. Ý nghĩa của lễ này là : Công bố sự thành hôn của đôi trai gái, vì thế lễ này còn gọi là lễ thành hôn.
Trong tâm thức người Việt (từ xưa cho đến ngày nay) thì lễ cưới (chứ không phải tờ hôn thú) có giá trị pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, chính ở lễ này nhiều vấn đề xã hội "gay cấn" diễn ra, khen chê của dư luận xã hội đều tập trung vào lễ này. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi sự khen chê ấy không đồng nhất, thậm chí còn đối lập nhau. Ví dụ : ngày nay một đám cưới theo nghi thức cổ truyền có thể vừa được khen, vừa bị chê. Người khen thì cho rằng, thế mới là đám cưới Việt Nam, thế mới không sợ sự du nhập của văn hoá bên ngoài, nhưng người chê thì lại nói rằng : thế là rườm rà, lãng phí và luỵ cổ...
Lễ xin dâu: Trước giờ đón dâu, mẹ chú rể sẽ cùng một người thân trong gia đình đến nhà gái đem cơi trầu, chai rượu để báo trước giờ đoàn đón dâu sẽ đến, nhà gái yên tâm chuẩn bị đón tiếp. Trước đây, do có sự gả bán, cưỡng hôn nên trong hôn lễ dễ có sự cố (chú rể hoặc cô dâu vì không đồng ý tổ chức hôn lễ, tự bỏ trốn...), nên lễ này nhằm xác định chính xác lần cuối cùng thời gian đón dâu hoặc xem lại có sự cố, bất trắc gì không. Ngày nay, hôn nhân dựa trên cơ sở của tình yêu đối lứa, nên những bất trắc rất hiếm, thời gian đã thống nhất trước thường được đảm bảo.
Rước dâu : Dù đoàn rước dâu của nhà trai có đi bằng phương tiện gì đi chăng nữa thì trước khi vào nhà giá cũng phải "chấn chỉnh đội hình". Thông thường, đi đầu là đại diện nhà trai (là người khéo ăn, khéo nói, có vị thế xã hội). Tiếp đến là bố chú rể, chú rể và bạn bè (ở Việt Nam, mẹ chồng không bao giờ đi đón con dâu, thậm chí khi cô dâu về đến nhà chồng, mẹ chồng còn phải trốn một lúc rồi mới ra tiếp khách). Thời nay, đoàn rước dâu cũng không đông người lắm, chỉ khoảng 20 người vì đông quá nhà gái không đủ chỗ tiếp vả lại còn phải nhường chỗ ở xe ô tô cho nhà gái đưa dâu. Làm như thế, trước hết để đoàn nhà trai tránh được sự lộn xộn, lúng túng trong ứng xử (nếu vào nhà gái mà vẫn không theo thứ tự sắp đặt trước); nhưng điều quan trọng hơn là tạo điều kiện để nhà gái không bị động, không bị bất ngờ trong nghênh tiếp.
Trước đây, nhà trai báo hiệu cho nhà gái bằng một tràng pháo và khi nào nhà gái đáp lại bằng một tràng pháo khác thì nhà trai mới được và có một tục khác là tục chằng dây cũng có tác dụng tương tự. Tục này từng bị phê phán là hủ tục nên đã bị bãi bỏ từ lâu. Trong tình hình mới hiện nay, "hình thức" của tục này vẫn tồn tại nhưng "nội dung" lành mạnh, nhẹ nhàng, vui vẻ hơn : Nhà gái bố trí vài em nhỏ bụ bẫm, xinh xắn, mặc áo đỏ (hay thắt lưng, nơ đỏ) chăng dây chờ sẵn ở trước nhà gái khoảng độ 20-30m. Khi nhà trai đến, một trong các em nhỏ chạy về báo cho nhà gái biết. Nhà trai chuẩn bị một ít kẹo để phân phát cho lũ trẻ chăng dây này (khi đã nhận được kẹo bọn chúng sẽ rút dây để đoàn nhà trai đi vào nhà gái). Như vậy, tục chăng dây sẽ trở thành một hình thái văn hóa khác hẳn về chất so với tục lan nhai ngày xưa. Nó sẽ tô điểm thêm bản sắc văn hoá của người Việt.
Sau khi đã vào nhà gái, nhà trai được mời an tọa. Hai bên giới thiệu nhau, sau một tuần trà, đại diện nhà trai đứng dậy có vài lời với nhà gái xin chính thức được rước cô dâu về.
Nhà gái đáp từ : Sau khi được "các cụ" cho phép, chú rể mới được vào phòng trong để trao hoa cho cô dâu và cùng cô dâu đến trước bàn thời thắp nén hương rồi ra chào bố mẹ, họ hàng hai bên. Cha mẹ cô dâu dặn dò đôi vợ chồng trẻ về cách sống, về tình yêu thương, về đạo lý vợ chồng. Vị đại diện nhà trai đáp lời thay cho chú rể và xin rước dâu lên xe. Nhà gái cùng theo xe hoa về nhà trai dự tiệc cưới. Trước đây, khi xe hoa (đám rước dâu) về tới cửa, nhà trai đốt pháo mừng. Nay, không có pháo nữa, người ta phải thế vào đó bằng cách khởi nhạc sống hoặc mở băng nhạc để tạo không khí vui vẻ, long trọng để nghênh tiếp cô dâu và nhà gái.
Đầu tiên, cô dâu và chú rể được cha mẹ dẫn đến bàn thờ để thắp hương yết tổ (lễ gia tiên), rồi chào họ hàng bên chồng. Sau đó là lê tơ hồng, (ngày nay, lễ tơ hồng không còn là một nghi thức. có tính bắt buộc nữa) tùy từng gia đình, lễ này có thể làm, có thể không). Tiếp theo, cô dâu được dẫn vào phòng cưới, ngồi lên chiếc giường cưới do một người được nhà trai chọn sẵn (mắn con) trải chiếu. Cuối cùng, nhà trai mời nhà gái và tất cả những người tham dự ăn tiệc cưới. Trước kia, tiệc cưới do gia đình người ta thường thuê chỗ và người nấu tiệc.
Không biết tự bao giờ, nhiều gia đình ở thành phố thường làm "ngược" tiến trình này : Họ không rước dâu về nhà mà rước thẳng đến phòng cưới (mà thực chất là phòng tiệc nhà hàng). Sau khi xong việc ở phòng cưới, cô dâu - chú rể mới về nhà chồng, gia đình nền nếp thì có lễ gia tiên, lễ tơ hồng, trải chiếu, có một số gia đình coi như đám cưới đã xong!
Về trang phục :
- Chú rể : complet, cài hoa trước ngực.
- Cô dâu : áo cô dâu theo mốt châu Âu, màu trắng hoặc màu kem
Về biểu trưng : Khoảng gần trăm năm qua, dân ta cũng đã cố gắng suy nghĩ - sáng tạo ra nhiều biểu trưng khác nhau cho lễ cưới (như đôi chim bồ câu, đèn lồng, trái tim, chữ lồng, mặt hai người hôn nhau,...) nhưng không thể thay thế được biểu trưng của chữ song hỷ : sở dĩ như vậy là do chúng vừa thiếu tính thẩm mỹ vừa thiếu tính thông tin (hiểu theo nghĩa ký hiệu học). Cho đến nay, và có lẽ mãi mãi, biểu trưng song hỷ vẫn là biểu trưng của đám cưới: người không hiểu chữ Hán nhìn vào chữ này cũng hiểu và cảm nhận được ngay : đám cưới. Cũng phải khẳng định thêm rằng: chữ song hỷ đã được đúc kết từ hàng ngàn năm, nó đã đạt đến độ hoàn thiện (cả về ý nghĩa xã hội lẫn tính hoàn mỹ).
Ở đây cũng nên phê phán quan điểm dân tộc hẹp hòi, cho rằng chữ này là của Tàu, ta phải có biểu trưng của ta, riêng biệt, độc nhất. (Cái gì được du nhập từ bên ngoài, nhưng đã bắt rễ và sống ở ta thì cái đó đã trở thành truyền thống của ta rồi).
Về đồ mừng cưới : Xưa, các cụ ta có tục mừng đỡ, nay, người đến dự đám cưới tặng đôi vợ chồng trẻ cái gì đó cũng là điều hiển nhiên. Vấn đề nổi cộm của việc mừng cưới hiện nay là : Cấp dưới nịnh, hối lộ cấp trên thông qua phong bì mừng cưới. Tuy nhiên, số đám cưới của các con quan này không phải là nhiều, vì thế đây không phải là vấn đề của văn hóa, (những hành vi kiểu này chỉ là nhất thời, nó sẽ biến đi theo sự thay đổi thời cuộc). Vấn đề đáng quan tâm hơn về phương diện văn hóa (xây dựng nếp sống) ở đây là : Tặng quà cưới thế nào để người tặng và người nhận đều giữ được lễ? Quà cưới và tặng quà cưới cần phải bảo đảm được những nguyên tắc sau :
Trang trọng : muốn vậy, quà phải được bọc giấy điều, dù là tiền cũng phải được bọc trong phong bì đẹp. Trong đám cưới, cần có ban lễ tân (thường là người thân) đứng ra nhận quà mừng, hướng dẫn khách và đỡ gói quà cho khách (nếu cồng kềnh) vào nơi qui định. Cần tránh việc cô dâu - chú rể vừa đi chào mọi người vừa thu tiền mừng (trông không được đẹp mắt lắm). Nếu không biết được "nhu cầu sở thích" của cô dâu - chú rể, thì không nên mua đồ mà nên mừng bằng tiền. Số tiền cũng theo "mặt bằng" chung. Ban tổ chức đám cưới cũng nên lưu ý một vấn đề khác, tế nhị hơn là: phải tạo điều kiện để những người không có tiền mừng (ví dụ tầng lớp sinh viên chẳng hạn) vẫn đến mừng đám cưới được. Nhiều gia đình đã "xử lý" tình huống này rất hay theo cách : ngoài tiệc mặn, có thêm tiệc trà. Tiệc trà, không có tiền mừng nhưng người tham dự không bị áy náy như ở tiệc mặn.
Về tiệc cưới : Ngày nay, khi nền kinh tế đã tăng trưởng, các gia đình đã có những tích lũy nhất định, thì việc cưới to hay nhỏ (nhiều mâm hay ít mâm) không còn là vấn đề phải bàn cãi nữa. Đặc biệt là ở nông thôn, tính cộng đồng xóm giềng, làng xã, họ hàng đang còn mạnh thì tiệc cưới là một dịp tốt để củng cố tính cộng đồng ấy. Vấn đề cần bàn ở đây chỉ là tiệc cưới ở thành phố. ở thành phố, người ta thường kết hợp tiệc cưới với lễ thành hôn, cho nên nhiều khi cái "tục" của sự ăn lấn át mất cái "thiêng" của lễ cưới : Người ta đến ăn, ngồi cùng bàn ăn là những người không quen biết, ăn sao cho đúng giờ, khi cô dâu - chú rể đến thì rút phong bì ra trao cho họ, khiến người ta cảm thấy như là sự trả tiền cho bữa ăn.
Chụp hình ngoài trời:
Ở một số thành phố lớn, cô dâu và chú rể thường đến một số địa điểm đẹp ngoài trời để chụp ảnh làm kỷ niệm. Cảnh đẹp sẽ tôn thêm vẻ đẹp của dâu và chú rể cùng những ước mong về một cuộc sống tươi đẹp và ngập tràn hạnh phúc. Với cách chụp hình ngoài trời, cô dâu và chú rể sẽ lưu lại được những bức ảnh có giá trị cùng với phong cảnh tự nhiên. Phong trào này hiện nay rất phổ biến, được nhiều người ở thành phố áp dụng. Đây cũng là một cơ hội để bà con họ hàng của cô dâu chú rể được tận mắt trông thấy những cảnh đẹp và bộ mặt thay đổi của thành phố, đặc biệt là đối với những người không có nhiều điều kiện "ra tỉnh".
Hãng cho thuê xe cưới ,cho thuê ô tô cưới cao cấp,cho thuê xe du lịch Thành Hưng là thương hiệu không những uy tín mà còn bền vững trong lòng khách hàng và các doanh nghiệp tại Việt
Đăng nhận xét